Hơn 5 Năm Chiến Đấu Ung Thư Vú Ác Tính Của Nữ Bệnh Nhân

Bà Kiều Thị Lợi năm nay 64 tuổi, gương mặt hồng hào, lạc quan với cuộc sống. Mái tóc giả khéo che những thớ tóc lưa thưa, dấu tích duy nhất còn sót lại của căn bệnh ung thư từng đảo lộn cuộc sống của bà.

Gần 8 năm trước, con đường từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM (quận 5) tới quận 8 một buổi chiều như ngưng lại trong đôi mắt ướt nhòe của bà Lợi. Đường về nhà quen thuộc lấp đầy bằng những giọt nước mắt. Bà vừa nhận tin mắc ung thư vú ác tính.

Mọi chuyện đến quá nhanh và bất ngờ, khi bà bỗng cảm thấy có một hạt đậu nhỏ bằng đầu ngón tay trong ngực mình. Chỗ nhô ấy có lúc đau nhói khiến bà lo lắng và quyết định đến bệnh viện kiểm tra. Sau khi siêu âm và làm sinh thiết, người phụ nữ sinh năm 1953 gục ngã khi nghe bác sĩ thông báo bệnh tình. Tay chân run rẩy, bà khóc òa trên sàn nhà phòng bệnh lạnh lẽo.

Vị nữ bác sĩ giới thiệu bà tìm đến bác sĩ Nguyễn Sào Trung, một danh y nổi tiếng về ung thư, ông hiện là Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam. Người bác sĩ dày dạn kinh nghiệm cho biết bệnh của bà ở giai đoạn sớm và dặn làm các xét nghiệm để chuẩn bị mổ.

Khi hoàn thành ca phẫu thuật, lúc này ông mới xác định trường hợp của bà đang ở giai đoạn 2, có 8 hạch ở nách nhưng không bị di căn. Ông giới thiệu bà tìm bác sĩ Võ Ngọc Đức tại bệnh viện Ung bướu TP HCM để tiếp tục các bước chữa trị.

Bác sĩ Đức nói trường hợp của bà Lợi không nặng cũng không nhẹ. Trong lúc đó, người phụ nữ cứ khóc suốt và hỏi liệu còn có thể sống bao lâu. "Việc này không thể nói được. Quan trọng là chị phải bình tĩnh, quên bệnh, dũng cảm và lạc quan thì mới có thể vượt qua", câu nói của vị bác sĩ in sâu vào tâm trí bà.

Người cán bộ vừa nghỉ hưu được 3 tháng vẫn không thể trong một lúc lấy lại bình tĩnh. Trước đây bà từng nghe người thân của bạn bè bị ung thư rồi qua đời. Lúc đó bà rất xót thương nhưng không nghĩ chính mình đang phải đối diện với căn bệnh quái ác ấy. Bà không ngủ được, nước mắt cứ ứa ra khi nhìn những gương mặt thân thương trong gia đình, ngồi trên những bậc cầu thang đếm thời gian trôi đi.

"Lúc đó tôi nghĩ là đời mình tới đây coi như xong", bà nhớ lại. Người phụ nữ không còn muốn ra ngoài giao tiếp với ai mà chỉ ở trong nhà, trốn mình sau những bức rèm kéo kín, với suy nghĩ vô định về tương lai. Chỉ mới một tuần nghe tin mà bà sút 4kg.

Trong lúc ấy, gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất. Khi hay tin, ai cũng bàng hoàng. Tuy nhiên, chồng và 3 người con luôn bên cạnh động viên, khích lệ. Chồng còn khuyên vợ nên cắt bỏ ngực để không ảnh hưởng sau này. Các con luôn dành cho mẹ những hành động và lời nói dịu dàng, ấm áp nhất. Điều này giúp bà dũng cảm bước qua những thử thách cam go mà bà ví mình và những người cùng cảnh ngộ là "chiến binh".

Cuộc chiến ấy bắt đầu ngay từ bên ngoài giường bệnh. Vì số lượng bệnh nhân ung thư quá đông, bà phải chờ hơn một tháng mới có thể nhập viện tại bệnh viện Ung Bướu. Trong thời gian đó, bà đối diện với nỗi sợ hãi khi đi lấy xạ hình xương tại bệnh viện Chợ Rẫy để biết có bị di căn hay không.

"Tôi tủi thân khi thấy trước khu vực đó có một tấm bảng hình dấu chéo và chiếc đầu lâu ghi xe hơi phải đậu tránh xa phòng hạt nhân 500m. Còn mình là con người lại phải vào đó", bà kể. Căn phòng kín kẽ, bác sĩ mặc áo giáp da đến hai ba lớp làm nữ bệnh nhân rùng mình. 20 phút trôi qua, bà không dám nhúc nhích vì bác sĩ dặn nếu không sẽ bị tia vào các bộ phận lành lặn khác trên cơ thể. Mắt nhắm nghiền, miệng bà lẩm bẩm những câu niệm Phật. Lúc xong xuôi, bà cho 25;ng váng, bước xuống lảo đảo muốn té.

Vào giai đoạn hóa trị, chỉ trong ba ngày vào thuốc, tóc bà đã rụng sạch. 3 toa thuốc trong 3 tháng đầu trôi qua êm ả, bà vẫn nấu ăn và làm công việc nhà như thường. Đến lần tiếp theo, bà bắt đầu khó chịu, người phỏng khắp các nơi, đau rát, không ăn được gì và rớt toa 2 lần.

"Thức ăn vào miệng như miểng sành, ăn không có cảm giác và nuốt không vô", bà mô tả. Bác sĩ giải thích quá trình hóa trị làm tê liệt dây thần kinh của các cơ quan và động viên bà cố ăn. Nếu không nhai nổi thì xay, nấu cho nhừ. Còn nếu quá sức thì ép nước trái cây uống để có chất mới vào thuốc tiếp được. Chồng con năn nỉ bà cố gắng để tiếp tục chiến đấu với căn bệnh.

Kết thúc 6 tháng hóa trị, bà tiếp tục bước vào 15 ngày xạ trị. Kim đâm vào thấu ruột gan mới cho ra 7 chấm xăm để phục vụ quá trình điều trị. Liên tục mỗi ngày, bà đều đặn đến bệnh viện xạ trị, thời gian thực hiện từ 5 phút của buổi đầu cứ tăng dần theo cấp ngày. Tới tia thứ 6 thì bà bị phỏng và bác sĩ phải kê thêm thuốc bôi. "Đau nhức như ai cắt đi cơ thể của mình", bà nói.

Mỗi lần xạ trị là một lần bà lang thang ngoài đường. Bác sĩ dặn 7 tiếng sau mới nên về nhà vì sợ ảnh hưởng đến người thân. Cũng như ngày xạ hình xương, bà ngồi hàng giờ ở công viên niệm Phật và chờ đến khi ánh đèn phố thị sáng choang mới trở về nhà.

Quá trình điều trị cũng trôi qua sau gần một năm kể từ ngày bà xây xẩm suốt con đường về nhà. Bác sĩ nói tình trạng bệnh nhân đã ổn nhưng phải uống thuốc mỗi ngày trong 5 năm liên tục để đảm bảo kiểm soát bệnh.

Sau thời gian chiến đấu với ung thư, vẻ ngoài bà hao mòn, hốc hác, xanh xao. Một người quen giới thiệu bà đến Viện Y dược học dân tộc TP HCM. Tại đây, bà gặp nhiều người cùng cảnh ngộ, chia sẻ, tinh thần trở nên phấn chấn, gương mặt bắt đầu hồng hào và tươi tắn trở lại.

Giờ đây, mỗi tháng bà Lợi đều dành một ngày đến tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ 4T với các bệnh nhân ung thư do bà và một vài người sáng lập. Các hoạt động rất đa dạng như hát, nhảy, diễn văn nghệ, tập thể dục dưỡng sinh, yoga, trao đổi cùng bác sĩ hay những chuyến dã ngoại vui chơi. Ở đó, bệnh nhân ung thư không cô đơn. Họ có nhau, có nguồn cảm hứng và động lực cho cuộc chiến trước tử thần.

Người phụ nữ đã bước qua độ tuổi lục tuần nói tinh thần lạc quan chính là bí quyết chiến thắng bệnh tật. Ngoài ra, bệnh nhân phải ăn uống điều độ, tập thể dục và uống thuốc đầy đủ sẽ vượt qua được.

Next Post Previous Post