Những Triệu Chứng Ung Thư Thanh Quản Không Thể Bỏ Qua
Các triệu chứng ung thư thanh quản có thể phát hiện ở giai đoạn đầu. Khi được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì có tiên lượng tốt, mang lại kết quả điều trị cao.
1. Ung thư thanh quản là gì?
Ung thư thanh quản xảy ra khi các tế bào khác thường phát triển ở vùng thanh quản hình thành khối u. Ung thư có thể hình thành tại nắp thanh quản, bên trên hay bên dưới dây thanh âm.
Số người mắc ung thư thanh quản chiếm 2% tỷ lệ các bệnh ung thư. Bệnh ung thư thanh quản chủ yếu hay gặp ở nam giới, chủ yếu ở độ tuổi trên 40, chiếm trên 90%, ở độ tuổi 50 - 70 chiếm 72%, từ 40 - 50 tuổi chiếm 12%. Tuy nhiên, độ tuổi mắc bệnh đang có xu hướng trẻ hóa.
2. Triệu chứng ung thư thanh quản
Ho
Đây là triệu chứng đầu tiên và dễ dàng nhận thấy ở người bệnh ung thư thanh quản. Ho có thể theo từng cơn kèm theo tình trạng nuốt khó, vướng tức cổ họng.
Khàn tiếng
Nếu tình trạng khàn tiếng liên tục trong 1 tháng thì có thể cảnh báo nguy cơ mắc ung thư thanh quản. Khi khối u phát triển to dần, người bệnh sẽ cảm thấy khàn tiếng kèm theo giọng khô, đau họng, mệt mỏi, khó nói.
Khó thở
Đây cũng là triệu chứng ung thư thanh quản mà người bệnh cần hết sức lưu ý. Khó thở có thể kèm dấu hiệu khàn tiếng. Ban đầu người bệnh thấy khó thở khi làm việc nặng, sau đó khi khối u phát triển to dần, người bệnh sẽ cảm thấy khó thở ngay cả khi vận động nhẹ.
Đau vùng họng
Khi bị ung thư thanh quản, người bệnh sẽ cảm thấy đau vùng họng. Các cơn đau xuất hiện thường xuyên khiến người bệnh khó nuốt, nuốt vướng.
Xuất hiện khối u vùng họng
Nếu thấy xuất hiện khối u ở vùng thanh quản thì bệnh đã tiến triển tới giai đoạn nặng hơn. Trong trường hợp này người bệnh cần đi khám bác sĩ để có biện pháp điều trị kịp thời.
3. Nguyên nhân gây ung thư thanh quản
Nguyên nhân ung thư thanh quản hiện nay vẫn chưa được hiểu chính xác, tuy nhiên có nhiều các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sau đây:
Rượu và thuốc lá
Bằng chứng cho thấy rượu và thuốc lá là hai yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư thanh quản quan trọng nhất. Rượu và thuốc lá có chứa hóa chất có ảnh hưởng đến các tế bào của thanh quản, gây ra các đột biến có thể dẫn đến ung thư.
Bạn càng uống rượu hay hút thuốc lá nhiều, nguy cơ phát triển bệnh ung thư thanh quản càng tăng lên.
So với những người không uống rượu, những người thường xuyên uống một lượng lớn rượu có nguy cơ mắc ung thư thanh quản cao gấp 3 lần.
Người hút hơn 25 điếu thuốc mỗi ngày, hoặc những người đã hút thuốc trong hơn 40 năm, có nguy cơ mắc bệnh ung thư thanh quản cao hơn 40 lần so với người không hút thuốc.
Nếu bạn vừa nghiện thuốc lá vừa uống rượu, nguy cơ ung thư thanh quản còn tăng thêm nữa. Bằng cách giảm lượng rượu và bỏ thuốc lá, bạn có thể giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh này.
Tuổi tác
Nguy cơ phát triển bệnh ung thư thanh quản tăng theo độ tuổi. Bệnh thường gặp ở người trên 60 tuổi, và hiếm gặp ở người dưới 40 tuổi.
Lịch sử gia đình
Thành viên trong gia đình mắc các bệnh ung thư đầu cổ cũng làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư thanh quản cho những thành viên khác.
Những người có những thành viên gần gũi trong gia đình như cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con cái đã từng bị ung thư đầu cổ, có nguy cơ phát triển ung thư thanh quản cao gấp đôi người bình thường.
Giới tính
Nam giới có nguy cơ mắc ung thư thanh quản cao gấp 4 lần so với nữ giới.
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến và thực phẩm chiên rán có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư thanh quản.
Tiếp xúc với hóa chất
Tiếp xúc với một số hóa chất nhất định tại môi trường làm việc cũng có thể là nguyên nhân ung thư thanh quản. Những chất này bao gồm: sơn, bụi than, bụi gỗ, khói diesel, niken, formaldehyde, isopropyl alcohol,vv...
Nhiễm vi rút u nhú ở người (HPV)
Vi rút u nhú ở người (HPV) là nhóm các vi rút có ảnh hưởng đến da và màng ẩm lót cơ thể, chẳng hạn như ở cổ tử cung hậu môn, miệng và cổ họng.
HPV có thể gây ra những thay đổi trong các tế bào của cổ tử cung, dẫn đến ung thư cổ tử cung. Người ta cho rằng HPV cũng có tác hại tương tự trên tế bào hầu họng (khoang kết nối phía sau của mũi và miệng với thanh quản và thực quản). HPV thường lây lan qua quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ tình dục bằng miệng.
4. Ung thư thanh quản có nguy hiểm không?
Ung thư thanh quản là bệnh lý ác tính nguy hiểm, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể chữa khỏi. Tiên lượng của ung thư thanh quản rất tốt nếu bệnh nhân không có hạch. Tỉ lệ sống trên 5 năm là 90% với ung thư thanh quản giai đoạn T1 và T2; 60% sống 5 năm với ung thư tiền đình thanh quản; 30% sống 5 năm với ung thư hạ thanh môn. Trong những trường hợp u ở giai đoạn T3, T4 , hạch di căn, tỷ lệ sống trên 5 năm giảm đi một nửa.
5. Phương pháp điều trị ung thư thanh quản
Thông thường, ung thư thanh quản được điều trị bằng phẫu thuật hoặc xạ trị. Đây là các biện pháp điều trị tại chỗ, chỉ tác động trực tiếp tới vị trí có khối u. Một số trường hợp được chỉ định điều trị hóa trị. Các thuốc được sử dụng trong phương pháp hóa trị được tiêm qua tĩnh mạch hoặc đường uống vào cơ thể nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
Phẫu thuật
Đây là phương pháp được sử dụng trong giai đoạn đầu khi mới khởi phát bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thanh quản.
Xạ trị
Xạ trị là biện pháp sử dụng tia X có năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư và ngăn chặn chúng phát triển. Xạ trị được sử dụng trong những trường hợp khối u không thể cắt bỏ được hoặc những bệnh nhân không thể phẫu thuật vì nhiều lý do khác nhau hoặc khối u tái phát sau phẫu thuật.
Hóa trị
Hóa trị là sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị có thể được áp dụng trong trường hợp khối u đã lan ra nhiều vị trí trong cơ thể.